Là cố đô của Việt Nam, ẩm thực Huế rất đa dạng, phong phú, và đậm chất cung đình. Những món ăn đặc sản như bún bò Huế, cơm hến, bánh canh,… ngày nay vẫn được yêu thích và phổ biến rộng rãi, đặc biệt món bánh bột lọc hấp dẫn. Dù nhỏ nhắn và đơn giản nhưng bánh bột lọc Huế không hề dễ làm. Hãy cùng Ghiền ăn vào bếp học cách làm bánh bột lọc Huế ngay tại nhà nhé!

đĩa bánh bột lọc huế
Bánh bột lọc – tinh hoa ẩm thực Huế.

1. Đôi nét về bánh bột lọc – tinh hoa ẩm thực cố đô

Nhắc tới những món đặc sản vùng đất cố đô, chắc chắn không thể bỏ qua món bánh bột lọc Huế. Miếng bánh bột lọc nhân tôm thịt, mềm mềm, thơm thơm, chấm chút nước mắm chua ngọt hoặc tương ớt chưng dễ dàng hấp dẫn làm bất cứ du khách nào có dịp ghé thăm mảnh đất này.

Thơm ngon là vậy nhưng nguyên liệu để làm món bánh bột lọc lại khá đơn giản và dễ tìm. Bột năng, tôm, thịt, hành, ớt,… có thể tìm thấy ở căn bếp của bất cứ gia đình nào. Người dân Huế đã rất sáng tạo và khéo léo để tạo nên một món bánh ngon, gần gũi và vô cùng bình dị, mộc mạc.

Ở Huế có hai loại bánh bột lọc, đó là bánh bột lọc không cần lá chuối (còn gọi là bánh bột lọc trần) và bánh bột lọc gói bằng lá chuối. Cùng Ghiền ăn vào bếp học cách làm bánh bột lọc theo từng loại khác nhau nhé!

Bánh bột lọc gói bằng lá chuối
Bánh bột lọc gói lá chuối.

2. Nguyên liệu làm bánh bột lọc Huế bằng bột năng

– Nguyên liệu chính

  • Bột năng: Bột năng là thành phần chính của bánh bột lọc. Nên chọn bột năng có màu trắng mịn, không vón cục và không lẫn tạp chất.
  • Tôm: Lựa chọn tôm tươi sống thì khi ăn mới có vị ngọt, thơm. Nên chọn những con tôm còn sống, kích cỡ nhỏ, vỏ màu trong suốt và không bị nhớt.
  • Thịt: Chọn phần thịt nạc vai hoặc ba chỉ để bánh có độ béo vừa đủ, không bị ngấy hoặc quá khô.

    Bột năng, tôm, thịt là nguyên liệu chính làm bánh bột lọc
    Bột năng, tôm, thịt là nguyên liệu chính làm bánh bột lọc.

– Định lượng cho 2 người ăn

  • Tôm: 200gr
  • Thịt lợn: 200 gr
  • Bột năng: 800gr
  • Nước mắm: 2 thìa canh
  • Hạt nêm: 3 thìa cà phê
  • Dầu ăn: 10 thìa canh
  • Hạt tiêu: 1 thìa cà phê
  • Ớt bột: 1 thìa canh
  • Đường trắng: 5 thìa cà phê
  • Chanh: 1 quả
  • Tỏi băm: 2 thìa cà phê
  • Hành tím băm: 1 thìa cà phê
  • Hành lá
  • Lá chuối.
lá chuối, tôm, thịt và một số nguyên liệu làm bánh bột lọc
Các nguyên liệu làm bánh bột lọc.

3. Cách làm bánh bột lọc trần (không lá chuối)

– Bước 1: Sơ chế nguyên liệu 

  • Thịt lợn rửa sạch, thái hạt lựu và ướp với 1 thìa cà phê hạt nêm, 1/2 thìa cà phê hạt tiêu, 1 thìa cà phê hành tím băm. Đậy kín và ướp thịt trong khoảng 15 phút.
  • Tôm rửa sạch, thấm sạch nước rồi ướp với 1 thìa tỏi băm, 1/2 thìa tiêu, 1 thìa hạt nêm và 1 thìa muối. Ướp tôm trong khoảng 10 phút.
Sơ chế nguyên liệu làm bánh bột lọc
Sơ chế nguyên liệu làm bánh bột lọc.

– Bước 2: Làm vỏ bánh bột lọc trần

  • Đun 600ml nước sạch, cho thêm 1 thìa canh dầu ăn và 1/2 thìa cà phê muối vào. Đổ từ từ nước nóng vào 400gr bột năng, vừa khuấy vừa trộn rồi nhồi đều tay cho đến khi khối bột kết dính, không dính tay.
  • Trải đều bột trên giấy nến rồi dùng cán bột cán mỏng đến khi bột dày khoảng  mm. Sử dụng khuôn tròn nhỏ, cắt bột thành những hình tròn đều nhau.

– Bước 3: Làm nhân bánh bột lọc trần

  • Cho thịt lợn cắt hạt lựu vào chảo, đảo đều rồi cho thêm một chút nước và nước mắm, rim trong khoảng 15 phút
  • Cho tôm đã ướp vào rim cùng thịt trong khoảng 10 phút nữa.
công đoạn ói bánh bột lọc
Công đoạn ói bánh bột lọc.

– Bước 4: Tạo hình bánh bột lọc trần

Đặt nhân tôm và thịt vào giữa miếng bột tròn, gấp đôi lại rồi bóp chặt ở viền. Làm tương tự với phần bột còn lại. 

– Bước 5: Luộc bánh bột lọc trần

  • Đun sôi 500ml nước, cho thêm 1 ít dầu ăn và muối. Cho bánh vào luộc cho đến khi bánh nổi lên là chín, vớt ra và thả vào nước lạnh trong khoảng 2 phút. Nước đá giúp bánh bột lọc trong và dai hơn
  • Vớt bánh ra đĩa, quét một chút dầu ăn lên bề mặt để bánh không bị dính vào nhau.
luộc bánh bột lọc với nước sôi
Luộc bánh là công đoạn cuối cùng.

4. Cách làm bánh bột lọc gói lá chuối

– Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

  • Chuẩn bị và xử lý nguyên liệu như cách làm bánh bột lọc trần (không lá chuối)
  • Lá chuối rửa sạch, luộc qua nước sôi khoảng 5 phút rồi cho vào nước lạnh ngâm. Lau khô và cắt lá thành từng miếng nhỏ có chiều rộng khoảng 10cm. Một phần lá cắt thành sợi dài để buộc bánh.

– Bước 2: Làm nhân bánh bột lọc gói lá chuối

  • Cho thịt và tôm vào xào đến khi chín và săn lại. Gia vị điều chỉnh theo khẩu vị của gia đình. 
tôm rim với thịt
Rim tôm, thịt làm nhân bánh bột lọc.

– Bước 3: Làm vỏ bánh bột lọc gói lá chuối

  • Cho 400gr bột năng, 400gram nước lọc, 1 thìa cà phê muối, 2 thìa canh đường, 1 thìa canh dầu ăn vào một nồi to và khuấy đều cho đến khi hỗn hợp đến khi hòa quyện vào nhau.
  • Đun sôi hỗn hợp ở lửa nhỏ, dùng đũa đảo đều tay để bột không dính vào đáy nồi. Đun đến ki bột dẻo và đặc lại thì tắt bếp, đợi bột nguội. 

– Bước 4: Gói bánh bột lọc bằng lá chuối

  • Trải lá chuối lên mặt phẳng như mâm, thớt rồi quét một lớp dầu ăn lên bề mặt để bánh không bị dính sau khi luộc.
  • Lấy một thìa bột cho vào giữa lá, cán đều thành hình tròn có đường kính khoảng 4cm. Xúc một thìa nhân tôn thịt vào chính giữa miếng bột rồi gói lại.
  • Bọc kín nhân bánh, dùng dây lá chuối xé nhỏ buộc chặt và cố định hình dạng bánh
gói bánh bột lọc bằng lá chuối
Cách gói bánh bột lọc bằng lá chuối.

– Bước 5: Hấp bánh bột lọc gói lá chuối

  • Xếp bánh vào nồi hấp rồi đậy nắp. Hấp bánh trong khoảng 20-25 phút là bánh chín đều.
Hấp bánh
Hấp bánh bột lọc bằng nồi hấp.

5. Pha nước chấm bánh bột lọc

Nước chấm giữ một vai trò quan trọng quyết định món bánh bột lọc được chuẩn vị Huế. Bạn có thể tham khảo công thức dưới đây nhé: 

  • 2 thìa nước mắm
  • 2 thìa đường
  • 8 thìa nước lọc
  • 1/2 quả chanh
  • 1-2 quả ớt cắt nhỏ
  • Tỏi băm nhỏ

Trộn tất cả nguyên liệu trên vào với nhau rồi cho lên bếp đun. Nước chấm bánh bột lọc sẽ có độ chua ngọt nhẹ, thơm mùi tỏi và chút vị cay của ớt. Người Huế thích ăn cay nên trong nước chấm thường cho khá nhiều ớt. Bạn có thể gia giảm tùy theo khẩu vị của bản thân nhé.

nước chấm bánh bột lọc
Nước chấm bánh bột lọc chua ngọt. (Ảnh: Internet)

6. Lưu ý khi làm bánh bột lọc Huế

  • Trộn bột theo đúng tỷ lệ và cán bột càng mỏng thì bánh càng có độ trong suốt đẹp mắt
  • Cách nhận biết bánh đã chín hay chưa, đó là quan sát vỏ bánh. Bánh chín có vỏ mềm dẻo, trong suốt, có thể quan sát được cả tôm lẫn thịt bên trong. 
  • Bánh bột lọc ngon nhất là khi ăn nóng. Có thể bảo quản bánh bột lọc trong ngắn mát tủ lạnh khoảng 2 ngày hoặc ngăn đông là 2 tuần. 
  • Rim tôm và thịt càng lâu thì nhân bánh càng ngấm gia vị. Có thể thêm hạt tiêu vào nhân để tạo mùi thơm riêng cho bánh.
cùng nhau ăn bánh bột lọc
Bánh bột lọc ngon nhất là khi ăn nóng.

Không chỉ là món bánh ăn vặt, bạn có thể thưởng thức bánh bột lọc thay cơm, phở như bữa ăn chính hàng ngày. Hy vọng với những công thức mà Ghiền ăn gợi ý cho bạn phía trên, bạn đã làm thành công món bánh bột lọc Huế để cùng thưởng thức quây quần bên gia đình. Nếu bạn quá bận rộn và chưa sắp xếp được thời gian thì cũng đừng lo vì vẫn có thể thưởng thức món ăn thơm ngon nóng hổi này ngay tại nhà, tất cả có trên Capichi Delivery!

Ảnh: Internet

Kim Oanh.