Bánh mì hoa cúc là món bánh mì quen thuộc, chiếm sóng trên rất nhiều các diễn đàn và mạng xã hội về ẩm thực. Vẻ ngoài bắt mắt cùng vị thơm béo hấp dẫn, món bánh này đã chinh phục trái tim của tín đồ ẩm thực trên khắp thế giới. Nếu bạn muốn thử tay nghề của mình thì cùng Ghiền ăn vào bếp học cách làm món bánh mì hoa cúc bằng nồi chiên không dầu cực đơn giản theo những bước dưới đây nhé!

1. Đôi nét về món bánh mì hoa cúc

Bánh mì hoa cúc, tên thật là bánh Brioche là món bánh mì có nguồn gốc từ Pháp. Bánh có nguyên liệu chính là bột mì, bơ và vani. Có tên như vậy vì sau khi nướng lên, bề mặt bánh có hình dáng vỏ thừng đan vào nhau, nở bung vàng ươm như những bông hoa cúc. 

Bánh mì hoa cúc bắt nguồn từ Pháp
Bánh mì hoa cúc bắt nguồn từ Pháp.

Bánh mì hoa cúc không quá ngọt, khi ăn có vị ngậy thơm, mềm tơi và thường được người Pháp dùng trong bữa sáng hoặc bữa chiều với cà phê. Tại Việt Nam, món bánh này rất được yêu thích và được dùng bất cứ lúc nào trong ngày.

Theo nghiên cứu, mỗi 100gr bánh mì hoa cúc sẽ tương đương khoảng 393kcal. So với các loại bánh khác thì món bánh này có lượng calo khá cao, nhưng so sánh với lượng calo cần nạp cho mỗi bữa ăn là 670kcal thì bánh mì hoa cúc đủ cung cấp dinh dưỡng cho bữa ăn của bạn mà không hề gây béo.

Bánh mì hoa cúc cung cấp bữa ăn dinh dưỡng
Bánh mì hoa cúc cung cấp bữa ăn dinh dưỡng.

2. Nguyên liệu làm bánh mì hoa cúc

Phần bột bánh

  • Bột mì: 250gr
  • Men nở (men instant): 4.5gr
  • Đường: 30gr
  • Bơ nhạt: 125gr (để mềm ở nhiệt độ phòng)
  • Sữa tươi: 60ml sữa không đường
  • Mật ong: 5ml 
  • Trứng gà: 4 quả
  • Vani: 5ml
  • Muối: 5gr

Phần trang trí

  • Nước lọc: 50ml
  • Hạnh nhân cắt lát, hạt vừng, mè rang

Dụng cụ làm bánh

  • Khuôn hình chữ nhật 
  • Máy trộn bột 
  • Máy đánh trứng
  • Nồi chiên không dầu
  • Màng bọc thực phẩm
nguyên liệu làm bánh
Nguyên liệu làm bánh mì hoa cúc khá đơn giản.

3. Cách làm bánh mì hoa cúc bằng nồi chiên không dầu cực đơn giản

Bước 1: Chuẩn bị 

  • Kích hoạt men bánh: Trộn đều sữa ấm, men và mật ong và để trong 15 phút cho men được kích hoạt.
  • Dùng máy đánh đều 3 quả trứng với 60gr đường đến khi có chóp nhọn.
  • Thêm bột mì, muối, vani, đường và men đã kích hoạt vào hỗn hợp trứng đánh bông rồi trộn đều thành khối bột ướt. 
kích hoạt men khi làm bánh
Kích hoạt men trước khi nhồi bột làm bánh mì hoa cúc.

Bước 2: Nhồi bột 

  • Thiết lập máy trộn bột ở tốc độ 2 hoặc 3 độ trong 1 phút. 
  • Chia bơ thành 4 phần đều nhau. Cho từng phần vào âu trộn và nhồi khoảng 2 phút. Lặp lại quá trình này cho đến khi hết bơ. Chú ý dùng thìa vét ở dưới đáy bột để bột với bơ được hòa quyện hoàn toàn. 
  • Sau khi các nguyên liệu hòa thành một khối thì tăng tốc độ máy nhồi bột lên mức 5 hoặc 6. Nhồi khoảng 10 – 15 phút cho đến khi bột mịn và có độ đàn hồi tốt. Bột đạt yêu cầu có thể dễ dàng tách khỏi âu, mềm và dính nhưng không dính nhiều.
nhồi bột
Công đoạn nhồi bột mất khá nhiều thời gian.

Bước 3: Ủ bột 

  • Đặt khối bột lên bề mặt phẳng, định hình khối bột thành hình tròn. 
  • Đặt khối bột vào một âu lớn và bọc kín bằng màng bọc thực phẩm. Đặt âu bột ở không gian ấm, ủ bột trong khoảng 40-60 phút cho đến khi bột nở gấp đôi.
  • Kiểm tra bột nở bằng cách ấn nhẹ để các bọt khí thoát ra. Tiếp tục nhồi bột bằng cách gấp các mép bột vào giữa, định hình bột thành một khối tròn mịn.
  • Đặt khối bột vào âu rồi tiếp tục bọc kín âu bột bằng màng bọc thực phẩm. Đặt âu bột vào tủ lạnh tối thiểu 8 tiếng và tối đa 24 tiếng. 
Tạo hình cho bánh mì hoa cúc
Tạo hình cho bánh mì hoa cúc.

Bước 4: Tạo hình

  • Rắc một lớp bột khô lên bề mặt phẳng rồi lấy bột đã ủ trong tủ lạnh đặt lên trên. Bước này giúp bột ủ không bị dính trên bề mặt phẳng.
  • Chia bột thành 6 phần, nhồi đều và nặn thành các sợi dài. 
  • Tạo hình bánh theo sở thích. Kiểu zigzag, bánh mì gối trắng hay thắt bím là những kiểu tạo hình bánh mì hoa cúc phổ biến nhất.
  • Phết một lớp bơ mỏng hoặc lót giấy nến vào khuôn bánh. Đặt khối bột đã tạo hình vào khuôn và ủ thêm khoảng 3-4 giờ.
Nướng bánh bằng nồi chiên không dầu
Nướng bánh mì hoa cúc bằng nồi chiên không dầu.

Bước 5: Nướng bánh

  • Làm nóng nồi chiên không dầu ở nhiệt độ 160 độ trong 4 phút.
  • Đánh tan 1 quả trứng rồi lọc qua rây để giúp hỗn hợp trứng đều, mịn. Dùng chổi chuyên dụng quét một lớp trứng mỏng lên bề mặt bột rồi rắc hạnh nhân, mè, vừng rang lên trang trí. Chỉ nên quét lớp trứng mỏng và nhẹ vì nếu lớp trứng dày sẽ làm bánh nhanh cháy. 
  • Bọc giấy bạc vào mặt trên của bánh rồi nướng trong 20-22 phút ở mức nhiệt 160 độ. Vì nồi chiên không dầu thường có quạt phía trên nên cần che giấy bạc để tránh làm cháy mặt bánh. 
  • Sau 20-22 phút, gỡ giấy bạc và nướng thêm khoảng 5 phút nữa.
  • Bánh nướng xong cần nhanh chóng gỡ ra khỏi khuôn và quét một lớp bơ chảy lên trên để không bị khô và vẫn giữ được độ dai.
Thành phẩm bánh sau khi nướng
Thành phẩm bánh mì hoa cúc sau khi nướng.

Bánh mì hoa cúc sau khi nướng sẽ thơm nồng mùi bơ. Mặt bánh vàng nâu bắt mắt, ruột bánh vàng ươm, mềm xốp. Ăn thử một miếng bạn sẽ cảm nhận ngay được vị ngọt béo, dai dai vừa đủ. Bạn có thể thưởng thức bánh mì hoa cúc với trà hoặc sữa tươi. Đây là món ăn cực kỳ thích hợp cho bữa sáng hoặc bữa lót dạ.

4. Một số loại bánh mì hoa cúc phổ biến khác

Ngoài vị truyền thống, bạn có thể sáng tạo bánh mì hoa cúc vị socola hoặc trà xanh với một số lưu ý đơn giản trong phần nguyên liệu.

  • Với bánh mì hoa cúc socola: Thay 10-15gr bột mì trong công thức trên bằng bột socola hoặc cacao. 
  • Với bánh mì hoa cúc trà xanh: Thay 10-15gr bột mì bằng bột trà xanh
Bánh mì hoa cúc vị socola
Bánh mì hoa cúc vị socola.

Sau khi thay thế nguyên liệu bằng bột ca cao hoặc bột trà xanh, thành phẩm bánh mì hoa cúc sau khi hoàn thành sẽ có màu sắc bắt mắt. Bên ngoài bánh vàng nâu, bóng bẩy trong khi bên trong có màu xanh mát hoặc màu nâu socola cùng mùi hương đặc trưng của nguyên liệu. Khi thường thức, bạn vẫn sẽ cảm nhận được độ mềm mịn của bánh mì và mùi thơm phức của socola hay trà xanh.

5. Lưu ý trong cách làm bánh mì hoa cúc

  • Hương vị của bơ và bột ảnh hưởng rất nhiều đến hương vị của bánh. Vì vậy bạn cần cân nhắc lựa chọn đúng nguyên liệu và chất lượng để bánh làm ra có hương vị chuẩn chỉnh nhất.
  • Để bánh mì có độ dai và chắc, bạn nên chọn bột bánh mì có hàm lượng protein 13%. Loại bột mì này có thể mua tại các cửa hàng chuyên bán nguyên liệu làm bánh hoặc đặt mua trên các trang thương mại điện tử.
  • Không nên nướng bánh quá lâu vì có thể làm cho phần mặt bánh bị khô. Có thể dùng khăn ẩm phủ kín mặt khuôn nướng để giúp mặt bánh nướng xong có màu đẹp mắt và giữ được độ ẩm. 
Lưu ý khi làm bánh mì hoa cúc
Lưu ý khi làm bánh mì hoa cúc.
  • Nên sử dụng men bánh mì ngọt để bánh thơm và dậy mùi bơ sữa.
  • Nên đánh bông trứng gà để bánh mì mềm hơn.
  • Không nên ủ bột quá lâu vì men khi để lâu sẽ khiến bánh có mùi hôi của rượu sau khi nướng.
  • Có thể cho thêm sữa bột vào công thức. Sữa bột giúp bánh thơm và có độ ngậy vừa phải.
  • Nên để bột bánh trong tủ lạnh để bánh không bị tách bơ trong lúc tạo hình.
  • Nếu không sử dụng hết, bạn có thể bảo quản bánh bằng túi nilon, cột chặt miệng (có thể bảo quản từ 2-3 ngày). Nếu để lâu, có thể cho bánh lên ngăn đá tủ lạnh. Khi nào cần ăn thì lấy ra nướng lại là được.
Có thể thêm các nguyên liệu khác tùy theo sở thích
Có thể thêm các nguyên liệu khác tùy theo sở thích.

Cách làm bánh mì hoa cúc khá đơn giản với nguyên liệu dễ tìm. Tuy nhiên, bạn cần phải lưu ý trong các bước đong đếm nguyên liệu và quy trình ủ bột để làm ra chiếc bánh có chất lượng tốt nhất. Với cách làm bánh mì hoa cúc mà Ghiền ăn hướng dẫn cho bạn phía trên, hãy nhanh chóng vào bếp trổ tài và chia sẻ lại với chúng mình thành quả của bạn nhé. Và đừng quên ghé Capichi Delivery nếu muốn tìm kiếm những tiệm bánh mì hoa cúc siêu ngon tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nhé!

Ảnh: Internet

Kim Oanh.